Tại sao lại gọi là “thành phố học tập”?
Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn một nửa dân số thế giới sống tại các thị trấn và thành phố. Bởi vì dân số của các nước phát triển đã ngừng gia tăng, và dân số tại khu vực nông thôn của những nước đang phát triển cũng gần như giữ nguyên vì tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị, nên dân số tăng lên chủ yếu là tại các khu đô thị của những nước đang phát triển. Quỹ dân số liên hợp quốc dự kiến dân số tại các khu đô thị sẽ tăng vọt từ 3,4 tỉ người vào năm 2009 lên gần 5 tỉ người vào năm 2030, với tốc độ phát triển đô thị chủ yếu tại Châu Phi và Châu Á. Vậy nên, việc lường trước nhu cầu học tập của công dân tại các cộng đồng đô thị đang lớn mạnh nhanh chóng ở các nước đang phát triển là một yêu cầu cấp thiết (và là thực tế khách quan!).
Nhìn chung, các thành phố mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường hơn các khu vực nông thôn. Các thành phố tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu nhập. Nếu được quản lý tốt, các thành phố có thể cung cấp dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ khác tốt hơn những khu vực dân cư thưa thớt nhờ vào lợi thế quy mô và sự sầm uất. Các thành phố cũng mang đến cơ hội lớn hơn về tính cơ động xã hội và bình đẳng giới. Và sự đông đúc của đời sống đô thị có thể gây áp lực lên môi trường sống tự nhiên và các khu vực hệ sinh thái vốn rất dễ bị tổn thương.
Chương trình định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT-2010) chủ yếu hướng tới bối cảnh của các nước đang phát triển, cũng tái khẳng định rằng việc hình thành vốn con người là điều kiện tiên quyết cho phát triển đô thị, và các khu vực đô thị và thành phố có quy mô phù hợp hơn cho tương tác giữa mức độ phát triển và huy động vốn con người. Một thành phố năng động sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhất khi mở rộng và khai thác một cách triệt để tài năng, kinh nghiệm cũng như chuyên môn của người dân. Đối mặt với làn sóng toàn cầu hóa và kỉ nguyên của nền kinh tế tri thức, các thành phố phát triển được một cơ sở hạ tầng kĩ thuật và mạng lưới thông tin hiệu quả, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng giáo dục cao sẽ có nhiều tiềm năng trở thành thành phố tiên phong đầy năng động trong môi trường mới. Từ góc độ doanh nghiệp, IBM (2010) đã chỉ ra rằng một hệ thống giáo dục vững mạnh chú trọng vào học tập suốt đời là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong nỗ lực của thành phố nhằm thu hút và giữ chân nguồn lao động đa dạng, có tay nghề và giúp nâng cao sức hút cũng như chất lượng cuộc sống của thành phố đó.
24/10/2024